Trong suốt hàng ngàn năm lịch sử, bồn tắm đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hàng ngày, mang lại sự thư giãn và tiện nghi cho con người. Từ những bồn tắm đơn giản cho đến những thiết kế hiện đại và sang trọng ngày nay, hình thức và chức năng của bồn tắm đã trải qua nhiều sự phát triển và thay đổi. Trong bài viết này, Palado sẽ cùng bạn tìm hiểu xem bồn tắm là gì, lịch sử phát triển của bồn tắm như thế nào cũng như công dụng của nó đối với sức khỏe con người.
Bồn tắm là gì?
Bồn tắm (tiếng Anh: bathtub) là vật thể được dùng để chứa nước, con người hoặc động vật có thể tắm trong đó. Trước đây, bồn tắm thường được làm bằng gỗ. Ngày nay, hầu hết bồn tắm hiện đại được làm bằng acrylic, sứ, gang hoặc thép tráng men. Bồn tắm được đặt trong phòng tắm riêng tư dưới dạng thiết bị vệ sinh cố định, độc lập hoặc kết hợp với vòi hoa sen.
Bồn tắm hiện đại ngày nay được tích hợp thêm hệ thống ống dẫn chống tràn nước và vòi. Vòi bồn tắm thường được tích hợp sẵn dưới dạng vòi đứng gắn tường, vòi gắn thành bồn hay vòi đặt sàn. Khi công nghệ ép nóng acrylic cho phép nhà sản xuất thiết kế được các loại bồn tắm với hình dạng khác nhau thì hầu như tất cả các loại bồn tắm đều có hình chữ nhật. Bồn tắm đa dạng về màu sắc, tuy nhiên, phần lớn bồn tắm ngày nay đều có màu trắng bởi nó trông khá sang trọng và đẹp mắt.
Bồn tắm thường được làm bằng gì?
Bồn tắm acrylic
Hiện nay, rất nhiều bồn tắm được làm từ acrylic. Acrylic là một chất liệu được sử dụng phổ biến vì nó nhẹ, dễ sản xuất, dễ lắp đặt, có nhiều kiểu dáng và thuận tiện cho việc di chuyển. Đặc biệt, acrylic cũng rất bền và khó vỡ so với sứ. Hiện nay có nhiều thương hiệu bồn tắm sử dụng chất liệu acrylic để mang lại sự đa dạng và tiện ích cho người sử dụng.
Mặc dù bồn tắm acrylic có nhược điểm là dễ xước lớp sơn hoặc mất màu nhưng công nghệ hiện đại đã giảm thiểu rủi ro này và bồn tắm acrylic ngày càng dễ dàng sửa chữa. Ngoài ra, bồn tắm acrylic còn có vẻ ngoài tương đồng với sứ đến 90%, từ màu sắc cho đến nước men. Với việc bảo dưỡng tốt, tuổi thọ của bồn tắm acrylic có thể lên đến 15 năm. Với mức giá bán hợp lý, bồn tắm acrylic là sự lựa chọn phổ biến và được các gia chủ tin dùng.
Bồn tắm gang hoặc thép tráng men
Bồn tắm gang hoặc thép tráng men cũng là những loại bồn tắm làm từ kim loại được phủ một lớp men dày. Lớp men sứ giúp bồn tắm này cực kỳ bền, chống chịu lực, trầy xước và vết lõm. Lớp sơn bóng có khả năng chống lại hầu hết các loại hóa chất thông thường trong gia đình. Ngoài ra, bề mặt của loại bồn tắm này còn nhẵn nên việc vệ sinh thường khá dễ dàng. Vật liệu gang hoặc thép cũng giúp bồn tắm giữ nhiệt tốt hơn so với bồn tắm acrylic. Tuy nhiên, nhược điểm của bồn tắm gang thép tráng men là chúng rất nặng, cần có sàn đỡ và cần thợ chuyên nghiệp lắp đặt.
Bồn tắm bằng gỗ
Bồn tắm bằng gỗ là loại bồn tắm được làm từ các loại gỗ tự nhiên như gỗ sồi, gỗ thông, gỗ teak, hay các loại gỗ cứng khác. Bồn tắm gỗ thường có kiểu dáng đẹp mắt và tạo nên một không gian tự nhiên và ấm cúng trong phòng tắm. Các lớp gỗ được gia công kỹ lưỡng và xử lý chống thấm để đảm bảo tính chất chống nước.
Tuy nhiên, bồn tắm bằng gỗ cần bảo dưỡng thường xuyên để duy trì độ bền và đảm bảo chống thấm. Bạn không nên để bồn tắm gỗ tiếp xúc trực tiếp với nước trong thời gian dài và nên sấy khô sau mỗi lần sử dụng để tránh mục, nấm và hư hỏng gỗ. Chính vì thế mà ngày nay, loại bồn tắm này ít được sử dụng.
Bồn tắm bằng sứ
Bồn tắm bằng sứ thường có kiểu dáng đẹp, sang trọng với nhiều kích thước và hình dạng khác nhau để phù hợp với các loại phòng tắm khác nhau. Chất liệu sứ cũng có khả năng chống chịu hóa chất và không bị ảnh hưởng bởi các chất tẩy rửa thông thường, giúp bồn tắm dễ dàng vệ sinh và duy trì độ sáng bóng.
Tuy nhiên, bồn tắm bằng sứ có trọng lượng khá nặng và cần có hệ thống hỗ trợ vững chắc. Ngoài ra, vì sứ là vật liệu rắn và cứng nên nếu có va đập mạnh hoặc lực tác động lớn, có thể gây vỡ hoặc hư hỏng bồn tắm.
Bồn tắm bằng sứ là một lựa chọn phổ biến và được ưa chuộng bởi sự đẹp mắt, chất lượng bền bỉ và tính thẩm mỹ cao. Nó tạo nên một không gian sang trọng và tiện nghi trong phòng tắm.
Lịch sử của bồn tắm
Những chiếc bồn tắm xuất hiện đầu tiên
Theo các tài liệu nghiên cứu, hệ thống ống dẫn nước phục vụ việc tắm rửa được ghi nhận đầu tiên từ khoảng năm 3300 trước Công nguyên với việc phát hiện ra các ống dẫn nước bằng đồng bên dưới một cung điện ở Châu Âu cổ đại. Bằng chứng về bồn tắm cá nhân sớm nhất còn sót lại đã được tìm thấy trên đảo Crete. Đây là một loại bồn tắm có bệ dài 1,5m làm bằng gốm đã được nung cứng. [1]
Sự phát triển của bồn tắm “có móng”
Đến thế kỉ 18, bồn tắm móng vuốt (clawfoot ) xuất hiện và đạt đỉnh cao vào cuối thế kỷ 19. Loại bồn tắm này lấy ý tưởng từ họa tiết rồng ôm đá quý của Trung Quốc. Thiết kế này lan dần sang Anh và rất được tầng lớp quý tộc ưa chuộng. Việc tắm rửa trong những loại bồn như thế này được coi là thời thượng lúc bấy giờ.
Những chiếc bồn tắm thời kỳ đầu ở Anh đa phần được làm bằng gang, hoặc thậm chí là thiếc và đồng với bề mặt được sơn bóng. Do thời kỳ này là thời kì ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ với các nhà máy sản xuất kim loại đặc trưng. Do đó, kim loại đã trở thành vật liệu chính để sản xuất bồn tắm. Một lý do khác để chọn gang là vì khả năng giữ nhiệt tốt của nó. Men được tráng lên bề mặt bồn tắm để tận dụng khả năng giữ nhiệt lâu của men và tạo thêm tính thẩm mỹ cho bồn tắm.
Nhà phát minh gốc Scotland David Buick đã phát minh ra quy trình kết dính men sứ với gang vào những năm 1880 khi đang làm việc cho Công ty Sản xuất Alexander. Công ty này cùng nhiều công ty lớn khác đã tiếp thị thành công bồn tắm gang tráng men sứ. Ngày nay, công nghệ tráng men này vẫn được sử dụng trong ngành công nghiệp sản xuất bồn tắm, mặc dù các vật liệu mới như acrylic, PVC, PVS đã dần trở nên phổ biến hơn. Những chiếc bồn tắm có chân hình “móng vuốt” được đúc từ gang tráng men trở thành biểu tượng của những phòng tắm xa hoa, sang trọng và cổ điển.
Hoàng gia Anh đã chi một số tiền không nhỏ mỗi năm để tân trang các phòng tắm sang trọng và các khu nghỉ dưỡng cao cấp. Đó cũng là nguồn gốc của các khu nghỉ dưỡng (resort) hiện đại ngày nay.
Bước tiến mới trong sản xuất bồn tắm
Vào nửa sau thế kỷ 20, bồn tắm có chân hình móng vuốt phổ biến một thời đã biến thành bồn tắm âm tường với một tấm chắn nhỏ phía trước. Phong cách khép kín này giúp việc bảo trì bồn tắm dễ dàng hơn. Cùng với sự xuất hiện của các thiết bị vệ sinh có màu, chủ nhà đã có nhiều lựa chọn về thiết kế hơn. Năm 1928, công ty Crane đã ra mắt thiết bị phòng tắm có màu tại thị trường Hoa Kỳ và dần dần, dòng thiết kế này cũng như việc vệ sinh và chăm sóc nhà tắm dễ dàng đã dẫn đến sự sụp đổ gần như hoàn toàn của bồn tắm kiểu móng vuốt.
Vào những năm 1960, bồn tắm bằng sợi thủy tinh đã trở thành tiêu chuẩn cho các hộ gia đình do nó nhẹ và có giá thành rẻ.
Năm 1979, James R. Wheeler và anh trai Richard đã điều chỉnh acrylic – một vật liệu được sử dụng cho các spa ngoài trời để làm bồn tắm acrylic. Trong quá trình làm việc với Spartech Plastics, họ đã phát triển được loại bồn tắm acrylic bền và ép đùn (co-extruded) hiện đại. Công ty American Bath Factory là công ty đầu tiên mở rộng sản xuất bồn tắm acrylic như bồn tắm tạo sóng, bồn tắm có chân và nhiều loại bồn tắm có bệ và hiện đại khác.
Sự phát triển của bồn tắm hiện đại
Trong suốt thế kỷ 20, bồn tắm tiếp tục phát triển. Các vật liệu mới như acrylic và sợi thủy tinh ra đời, mang đến nhiều lựa chọn hợp lý và tiết kiệm. Các phong cách và kiểu dáng thiết kế bồn tắm xuất hiện để phù hợp với sở thích và thẩm mỹ cá nhân. Những cải tiến hiện đại như bồn tắm mát-xa trị liệu và thậm chí bồn tắm với hệ thống âm thanh tích hợp đã ra đời.
Ngày nay, bồn tắm đã trở thành một phần không thể thiếu trong phòng tắm hiện đại, phục vụ cả công năng và thẩm mỹ. Chúng mang đến không gian để thư giãn, chăm sóc bản thân và trẻ hóa. Với nhiều loại vật liệu, hình dạng và tính năng có sẵn, mọi người có thể chọn một bồn tắm phù hợp với sở thích cá nhân và tạo ra một ốc đảo yên tĩnh ngay trong ngôi nhà của mình.
Công dụng của bồn tắm đối với sức khỏe
Giải tỏa căng thẳng, cuốn bay mệt mỏi
Sau một ngày làm việc mệt mỏi, không có gì tuyệt vời hơn là được tắm trong bồn tắm để giải tỏa căng thẳng. Khi bạn ngâm mình trong nước ấm của bồn tắm, bạn sẽ ngay lập tức cảm nhận sự thư giãn và nhẹ nhàng tràn ngập cơ thể. Nhiệt độ nước cùng với hơi ấm tạo ra cảm giác êm dịu và độc đáo, giúp xoa dịu tinh thần, giảm đau đầu và giảm căng thẳng tức thì.
Khi bạn dành thời gian tắm trong bồn tắm, cơ thể được nghỉ ngơi và thư giãn. Lúc này, máu sẽ được lưu thông và nước ấm giúp loại bỏ căng thẳng mà bạn tích tụ trong suốt ngày dài làm việc. Từ đó, tinh thần bạn trở nên minh mẫn, tâm trạng bình tĩnh hơn và khả năng tập trung vào công việc cũng được cải thiện.
Tắm bồn tắm không chỉ mang lại sự thư giãn và giảm căng thẳng mà còn là không gian để bạn tận hưởng và chăm sóc bản thân. Bạn có thể thả lỏng cơ thể, đắm mình trong không gian yên tĩnh. Qua quá trình này, cơ thể sẽ tái tạo năng lượng và chuẩn bị tinh thần cho những thử thách tiếp theo.
Thải độc tố cho cơ thể
Tắm trong bồn tắm không chỉ mang lại lợi ích thư giãn mà còn có khả năng thải độc tố trong cơ thể. Trong số các loại bồn tắm hiện nay, bồn tắm massage khá được ưa chuộng vì nước nóng trong bồn (thường từ 30 – 35 độ C) giúp massage cơ thể một cách hiệu quả. Khi ngâm mình trong bồn tắm massage khoảng 15 phút, nhiệt độ nước và áp lực massage giúp giãn mở lỗ chân lông, từ đó tác động vào cơ thể và giúp thải độc tố hiệu quả. Qua quá trình này, các độc tố và bụi bẩn nằm sâu trong da được loại bỏ qua tuyến mồ hôi. Từ đó, da được sát khuẩn và giúp ngăn ngừa các bệnh liên quan đến cảm lạnh.
Trong quá trình ngâm mình trong bồn tắm, bạn chỉ cần nhẹ nhàng chà xát bề mặt da, lớp tế bào chết sẽ được loại bỏ, giúp da trở nên tươi trẻ và rạng rỡ hơn. Một cách khác để làm cho da mềm mại và mịn màng trong quá trình tắm bồn là sử dụng sữa. Thêm sữa vào nước tắm giúp cung cấp vitamin tự nhiên và dưỡng chất hữu ích cho da một cách an toàn. Điều này giúp da trở nên mềm mịn và tươi sáng hơn.
Tăng cường lưu thông khí huyết
Tắm trong bồn tắm cũng có tác dụng tăng cường lưu thông và tuần hoàn máu. Khi ngâm mình trong nước ấm, áp lực nước xung quanh cơ thể tạo ra áp lực thủy tĩnh, kích thích sự lưu thông máu và tăng cường sự tuần hoàn.
Quá trình tắm bồn giúp tế bào máu được vận chuyển tốt hơn, đưa đến các mô cần thiết để nuôi dưỡng và phục hồi cơ thể. Đồng thời, việc tắm bồn cũng có khả năng giảm nồng độ đường trong máu. Điều này đặc biệt hữu ích đối với những người mắc bệnh tiểu đường. Bên cạnh đó, tắm bồn cũng có khả năng giảm đau nhức cơ bắp, từ đó tạo điều kiện cho cơ thể hoạt động tốt hơn.
Một lợi ích khác của việc tắm bồn là thúc đẩy lưu thông hệ bạch huyết và loại bỏ độc tố. Quá trình tắm trong nước ấm giúp tăng cường hệ miễn dịch và tạo điều kiện cho cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn. Đây được coi là một phương pháp điều trị bệnh hiệu quả và đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe.
Hỗ trợ quá trình sinh nở ở phụ nữ
Tắm trong bồn tắm hỗ trợ quá trình sinh nở của phụ nữ. Nghiên cứu cho thấy việc ngâm mình trong bồn tắm giúp cơ thể thư giãn và giảm đau một cách tối đa. Khi được ngâm trong nước ấm, cơ thể sẽ được thư giãn, giảm áp lực, làm giảm cơn đau. Đặc biệt, việc tắm bồn không có tác động tiêu cực nào đối với mẹ và em bé trong quá trình sinh nở.
Đối với phụ nữ sau sinh, tắm trong bồn tắm kết hợp với thảo mộc và tinh dầu có thể giúp hỗ trợ quá trình phục hồi cả về thể chất và tinh thần. Tắm trong nước ấm vừa phải có thể giúp thư giãn các cơ thắt niệu đạo và các cơ vòng, làm giảm đau sau phẫu thuật và thúc đẩy quá trình lành vết thương sau cắt tầng sinh môn hoặc rách tầng sinh môn khi sinh.
Điều chỉnh nhiệt độ cơ thể
Tắm trong bồn có thể giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể một cách hiệu quả. Khi ngâm mình trong nước nóng, nhiệt độ cơ thể sẽ tăng lên do tiếp xúc với nhiệt độ cao của nước. Điều này có thể kích thích quá trình trao đổi chất trong cơ thể, làm tăng lưu thông máu và giúp giảm căng thẳng.
Ngược lại, khi ngâm mình trong nước lạnh, nhiệt độ cơ thể sẽ giảm xuống do tiếp xúc với nhiệt độ thấp của nước. Nó sẽ tạo ra cảm giác mát mẻ và giúp làm dịu cơ thể trong những ngày nóng. Ngâm mình trong nước lạnh cũng có thể giúp làm giảm sự viêm nhiễm và sưng tấy trong trường hợp chấn thương hoặc viêm đau cơ.
Tuy nhiên, cần lưu ý điều chỉnh nhiệt độ cơ thể bằng cách tắm trong nước nóng hoặc lạnh trong khoảng thời gian ngắn và phù hợp với tình trạng sức khỏe của mỗi người. Nên tuân thủ các hướng dẫn an toàn và tư vấn từ chuyên gia y tế để tận hưởng lợi ích và tránh các tác động tiêu cực có thể xảy ra.
Làm sạch cơ thể
Tắm bồn tắm là phương pháp làm sạch cơ thể hiệu quả. Khi ngâm mình trong nước ấm, chất bẩn, bụi bẩn và dầu nhờn trên da sẽ được làm mềm nên dễ dàng loại bỏ hơn. Việc mát-xa nhẹ nhàng da trong quá trình tắm cũng giúp làm sạch da hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, hơi nước từ bồn tắm cũng có tác dụng làm giãn nỡ lỗ chân lông, loại bỏ tạp chất và làm da sạch sâu.
Để đạt hiệu quả làm sạch tối đa, bạn có thể sử dụng sữa tắm hoặc gel tắm chứa các chất tẩy rửa nhẹ dịu. Chúng giúp loại bỏ bụi bẩn và tạp chất trên da, đồng thời mang lại cảm giác sảng khoái sau quá trình tắm.
Có lợi cho da và tóc
Tắm bồn tắm không chỉ giúp làm sạch cơ thể mà còn mang lại lợi ích cho da, tóc và mắt. Khi tắm trong bồn, việc tiếp xúc với nước và hơi nước giúp cơ thể luôn được cung cấp đủ nước. Vì cơ thể người chủ yếu được tạo nên từ nước, việc ngâm mình trong nước có vai trò quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng nước cho cơ thể.
Thêm vài giọt tinh dầu và muối hoặc sử dụng nước khoáng tự nhiên có thể tăng thêm lợi ích cho việc tắm bồn. Nước nóng trong bồn tắm giúp giãn mở lỗ chân lông, tạo điều kiện cho cơ thể tiết mồ hôi một cách tự nhiên, làm sạch da một cách hiệu quả. Các chất cặn bã và bụi bẩn từ da cũng vì thế mà được loại bỏ, đồng thời giúp da trở nên mềm mịn và trắng sáng hơn.
Nếu bạn thích cảm giác mát lạnh, tắm bằng nước lạnh cũng mang lại lợi ích cho da. Nước lạnh giúp làm săn chắc da, giảm tiết mồ hôi và làm đóng kín lỗ chân lông, giúp da giữ nước và tránh mất độ ẩm.
Ngoài ra, việc tắm bồn cũng có lợi cho tóc và mắt. Nước trong bồn tắm giúp làm sạch tóc và giữ cho tóc luôn ẩm mượt. Đồng thời, hơi nước từ bồn tắm có thể giúp giảm khô và kích ứng mắt.
Các loại bồn tắm trong lịch sử
Bồn tắm có bệ
Bồn tắm có bệ để nghỉ ngơi được xem là một phong cách trang trí nghệ thuật. Bằng chứng về bồn tắm có bệ được tìm thấy ở đảo Crete vào khoảng năm 1000 trước Công nguyên.
Bồn tắm em bé
Bồn tắm em bé là loại bồn tắm được sử dụng để tắm cho trẻ sơ sinh, đặc biệt là những đứa trẻ chưa đủ tuổi để tự ngồi. Đó là một bồn tắm nhỏ với thiết kế cho phép em bé nằm ngả ra sau trong khi đầu em bé vẫn có thể nhô khỏi mặt nước.
Bồn tắm nước nóng
Bồn tắm nước nóng là bể nước nóng được sử dụng để thư giãn và đôi khi là để trị liệu. Bồn tắm nước nóng trở nên phổ biến ở Hoa Kỳ trong thời kỳ đầu của phong trào Hippie (1967–1980). Loại bồn tắm này thường xuất hiện trong phim ảnh và âm nhạc. [2]
Bồn tắm nằm freestanding
Bồn tắm nằm freestanding đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Đó là kết quả của việc xây dựng các phòng tắm lớn hơn. Bồn tắm nằm freestanding được tạo ra từ nhiều nguyên vật liệu khác nhau như đá resin, đá đúc, acrylic, gang, sợi thủy tinh, sứ, đồng và xi măng,…
Bồn tắm mềm
Bồn tắm mềm được làm từ nhựa mềm hoặc xốp có lớp chống trơn bảo vệ. [3] Bồn tắm mềm đã có từ những năm 1970 [4] nhưng đến những năm 1990 chúng mới được các nhà sản xuất lớn bày bán. [3] Bồn tắm mềm thường được bán cho trẻ em và người già, để tránh bị thương do ngã [5].
Các kiểu dáng bồn tắm hiện đại phổ biến
Có một số kiểu dáng bồn tắm hiện đại mà bạn có thể lựa chọn. Cụ thể là:
- Bồn tắm đứng: Bồn tắm đứng có thiết kế thẳng đứng, với một hoặc hai mặt tiếp xúc với tường. Kiểu dáng này tạo nên một phong cách hiện đại và độc đáo trong phòng tắm.
- Bồn tắm nằm: Đây là kiểu dáng bồn tắm phổ biến nhất và đa dạng về kích thước và chức năng. Bồn tắm nằm thích hợp cho các không gian phòng tắm từ nhỏ đến trung bình. Nó được lắp trong các góc chết của phòng tắm.
- Bồn tắm góc: Bồn tắm góc thường có diện tích rộng hơn và có thể chứa từ 2-3 người cùng lúc. Nó có các chức năng massage và sục khí. Kiểu dáng này phù hợp cho những phòng tắm có diện tích lớn.
- Bồn tắm âm sàn: Bồn tắm âm sàn được sản xuất dựa trên bản vẽ kỹ thuật của phòng tắm. Nó được đặt sâu vào sàn, tạo ra một vẻ đẹp thẩm mỹ hoàn hảo. Bồn tắm âm sàn có thể là bồn tắm ngâm thông thường hoặc có chức năng massage và sục khí.
Trong suốt lịch sử nhân loại, bồn tắm đã trải qua sự phát triển và biến đổi không ngừng để đáp ứng nhu cầu và mong muốn của con người. Với sự tiến bộ về công nghệ và thiết kế, chúng ta có thể hy vọng vào tương lai – nơi những xu hướng mới và những ý tưởng khiến trải nghiệm của chúng ta đối trở nên ngày càng tuyệt vời hơn.
Tham khảo
- [1]. “The Evolution of the Design Bathtub in the History”. CeramicaFlaminia. 13 August 2015. Archived from the original on 2 August 2018. Retrieved 21 August 2016.
- [2]. McCleary, John Bassett (2002). The Hippie Dictionary. Canada: Ten Speed Press. p. 220. ISBN 978-1-58008-547-2.
- [3]. Austin, Gene (July 19, 1991). “Soft bathtubs touted as the new wave in offbeat bathroom fixtures”. The Baltimore Sun. Archived from the original on 2018-07-27. Retrieved 27 July 2018.
- [4]. Reif, Rita (September 2, 1976). “Doesn’t Anyone Out There Need a Soft Bathtub?”. The New York Times. Retrieved 27 July 2018.
- [5]. Austin, Gene (August 17, 1991). “Will The New Soft Bathtub Need A Hard Sell?”. Chicago Tribune. Retrieved 27 July 2018.